U nang buồng trứng có nguy hiểm không?

U nang buồng trứng là hiện tượng buồng trứng xuất hiện một khối u phát triển một cách bất thường. Đây là một bệnh thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Là một bệnh lành tính nhưng khối u phát triển bên trong buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Phân loại U nang buồng trứng

Có khá nhiều loại u nang buồng trứng khác nhau, như u nang bì và u nang nội mạc. Tuy vậy, u nang cơ năng là loại hay gặp nhất. Hai loại u nang hay gặp nhất là u nang nang trứng và u nang hoàng thể.

U nang nang trứng: Trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, một trứng sẽ phát triển trong một cái “túi” gọi là nang trứng. Túi này nằm ở trong buồng trứng. Trong phần lớn các trường hợp, túi này sẽ vỡ và trứng sẽ thoát ra ngoài (rụng trứng). Nhưng nếu túi không vỡ, dịch trong túi sẽ trở tạo thành u nang ở buồng trứng.

U nang hoàng thể: Túi nang trứng thường sẽ hết sau khi giải phóng trứng. Tuy nhiên nếu “túi” này không hết và miệng “túi” bị đóng kín, dịch có thể hình thành bên trong túi và tạo thành u nang.


Những loại u nang buồng trứng khác gồm có:

U nang bì: u nang hình thành ở buồng trứng có thể chứa tóc, mô mỡ và các mô khác

U nang tuyến: khối u không ung thư có thể phát triển ở bề mặt ngoài của buồng trứng.

U nội mạc: mô nội mạc – bình thường chỉ có trong tử cung – có thể phát triển ở ngoài tử cung và dính vào buồng trứng, dẫn đến u nang buồng trứng.

Ở một số phụ nữ bị một tình trạng gọi là hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS). Đó là khi buồng trứng chứa một số lượng lớn các u nang nhỏ. Tình trạng này có thể khiến buồng trứng bị to lên, và nếu không điều trị, buồng trứng đa nang có thể gây ra những vấn đề về sinh sản.

Các triệu chứng của U nang buồng trứng

Thông thường thì u nang buồng trứng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy vậy triệu chứng có thể xuất hiện khi khối u lớn lên. Các triệu chứng có thể gồm:

- Đau vùng hố chậu trước hoặc trong khi có kinh

- Giao hợp đau

- Chướng bụng hoặc sưng

- Đau bụng khi đi ngoài

- Cương ngực

- Đau ở vùng thắt lưng hoặc đùi

- Buồn nôn và nôn

Những triệu chứng nặng của u nang buồng trứng cần đi khám ngay bao gồm:

- Chóng mặt hoặc choáng ngất

- Đau vùng hố chậu nhiều hoặc dữ dội

- Sốt

- Thở nhanh

Các triệu chứng này có thể báo hiệu u nang buồng trứng vỡ hoặc xoắn buồng trứng. Cả hai biến chứng đều có những hậu quả nghiêm trọng nếu không điều tị sớm.

Biến chứng của U nang buồng trứng

Đa phần u nang buồng trứng là lành tính và tự hết mà không cần điều trị. Triệu chứng của những u nang này – nếu có – thường rất nhẹ. Nhưng trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể phát hiện thấy khối u nang buồng trứng ung thư trong khi khám thường qui.

Xoắn buồng trứng là một biến chứng hiếm gặp khác của u nang buồng trứng. Đó là khi u nang lớn khiến buồng trứng bị xoắn hoặc di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Nguồn cung cấp máu cho buồng trứng bị cắt đứt và nếu không điều trị, nó có thể gây tổn thương hoặc thậm chí hoại tử mô buồng trứng. Mặc dù hiếm gặp, xoắn buồng trứng chiếm gần 3% số ca phẫu thuật sản khoa cấp cứu.

Vỡ u nang, cũng hiếm gặp, có thể gây đau và chảy máu trong dữ dội. Biến chứng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được điều trị.

Chẩn đoán U nang buồng trứng

U nang buồng trứng có thể được phát hiện khi khám sức khỏe, khám phụ khoa. Các bác sĩ có thể thấy khối sưng ở một bên buồng trứng và chỉ định siêu âm để xác nhận. Siêu âm giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và cấu tạo của u nang (u rắn hay chứa dịch).

Các công cụ khác để chẩn đoán u nang buồng trứng bao gồm chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI).

Do đa số u nang sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng, nên bác sĩ có thể không chỉ định điều trị ngay. Thay vào đó, người bệnh có thể được làm siêu âm lại sau vài tuần hoặc vài tháng để kiểm tra.

Nếu như tình trạng bệnh không thay đổi hoặc u nang tăng kích thước, bác sĩ sẽ đề nghị làm thêm các xét nghiệm để xác định những nguyên nhân khác gây ra triệu chứng:

- Xét nghiệm thai: để xem có thai hay không

- Xét nghiệm hoóc-môn: để kiểm tra những vấn đề liên quan với hoóc-môn, như quá nhiều estrogen hoặc progesterone

- Xét nghiệm CA 125 máu: để tầm soát ung thư buồng trứng

Điều trị U nang buồng trứng

Với các u nang buồng trứng không tự hết hoặc to lên, bác sĩ có thể chỉ định điều trị để làm khối u nhỏ lại hoặc cắt bỏ khối u.

Thuốc tránh thai: Với u nang buồng trứng tái phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai uống để làm ngừng rụng trứng và ngăn ngừa sự phát triển của những u nang mới. Thuốc tránh thai uống cũng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng thường cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.

Mổ nội soi: Nếu u nang nhỏ và xét nghiệm loại trừ ung thư, bác sĩ có thể tiến hành mổ nội soi để cắt bỏ khối u.

Mổ mở: Nếu u nang lớn, bác sĩ có thể tiến hành cắt khối u qua đường mổ lớn ở bụng. Khối u sẽ được sinh thiết ngay và nếu xác định khối u là ung thư thì bác sĩ có thể tiến hành cắt tử cung hoàn toàn (cắt bỏ cả tử cung và hai buồng trứng).

Phòng bệnh U nang buồng trứng: Không thể phòng ngừa được u nang buồng trứng. Tuy nhiên, khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng. U nang buồng trứng lánh tính thường không trở thành ung thư. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể rất giống với u nang buồng trứng. Do đó việc đi khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng là rất quan trọng. Hãy lưu ý bác sĩ những triệu chứng có thể chỉ ra vấn đề, như:

- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

- Đau vùng hố chậu liên tục

- Chán ăn

- Sụt cân không giải thích được

- Chướng bụng

Tiên lượng bệnh với U nang buồng trứng

Tiên lượng bệnh của u nang buồng trứng ở phụ nữ chưa mãn kinh thường là tốt và phần lớn u nang biến mất trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng tái phát có thể xảy ra ở phụ nữ chưa mãn kinh và những người bị mất cân bằng nội tiết tố.

Nếu như không điều trị, một số u nang có thể làm giảm khả năng sinh sản. Điều này hay gặp với u nang nội mạc và hội chứng đa nang buồng trứng. Để tăng khả năng sinh sản, bác sĩ có thể cắt bỏ hoặc làm khối u nhỏ lại. Các u nang buồng trứng cơ năng, u nang tuyến và u nang bì không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tuy U nang buồng trứng có thể được “chờ và theo dõi”, song bác sĩ có thể chỉ định mổ để cắt bỏ và kiểm tra mọi khối u phát triển ở buồng trứng sau khi mãn kinh. Lý do là vì nguy cơ bị u nang ung thư và ung thư buồng trứng tăng lên sau khi mãn kinh. Một số bác sĩ sẽ cắt u nang ở phụ nữ chưa mãn kinh và đã mãn kinh nếu khối u có đường kính trên 10cm.

Lưu ý: U nang buồng trứng không làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Nguồn: DieuTriUngThu.com